Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng

Ngày đăng: 24/03/2025

Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng

PHẦN 2

Diễn biến tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng - 1975

Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975 nêu quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 10/3/1975, quân dân ta đã mở chiến dịch Tây Nguyên và đến ngày 24/3 đã giải phóng hoàn toàn vùng Tây Nguyên. Ngày 19-3, ta giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ngày 26/3, giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 22/3, trước hàng loạt những thắng lợi giành được trên chiến trường Tây Nguyên và Trị Thiên Huế, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị Khu ủy và Quân khu V: “Địch rút bỏ Huế và không loại trừ khả năng rút bỏ Đà Nẵng, chuẩn bị tích cực đánh Đà Nẵng theo phương án đã dự kiến”. Ngày 23/3, Thường vụ Khu ủy và Quân khu V họp, hạ quyết tâm: “Động viên toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong khu phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn khu V”. Chiến trường chính được xác định là thành phố, thị xã, mục tiêu chủ yếu là thành phố Đà Nẵng. Ngày 24/3, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã tổ chức cuộc họp quan trọng bàn triển khai kế hoạch giải phóng Đà Nẵng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà để chỉ huy cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Tối ngày 27/3, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V, làm việc với Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, khẳng định: Phải giải phóng Đà Nẵng bằng 2 lực lượng tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng, chậm nhất là ngày 3/4/1975 hoàn thành giải phóng thành phố.

Lực lượng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng của cả Trung ương và địa phương gồm: Quân đoàn 2 với các Sư đoàn 304, 325; lực lượng Quân Khu V gồm Sư đoàn 2 và Lữ đoàn 52; lực lượng địa phương gồm Trung đoàn 96 và Trung đoàn 97 của Mặt trận 4 Quảng Đà và các lực lượng quân sự, chính trị ở nội, ngoại thành. Chiến dịch giải phóng Quảng Đà bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 28-3-1975 khi pháo binh của ta nổ súng vào Bà Rén, Vĩnh Điện, Hòn Bằng và vào 8 giờ sáng bắn khống chế sân bay và hải cảng Đà Nẵng. Các lực lượng bộ binh và thiết giáp bắt đầu tấn công các huyện, thị, vùng ven thành phố. Do được chuẩn bị trước, các ủy ban khởi nghĩa huyện, thị ở Quảng Đà đã nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy theo mệnh lệnh khởi nghĩa của Đặc Khu ủy Quảng Đà.

Ngày 28/3/1975, ta giải phóng Duy Xuyên. Sáng ngày 29/3, ta giải phóng các huyện Đại Lộc, Hòa Vang, Điện Bàn và thị xã Hội An. Ở Hòa Vang, từ 15 giờ ngày 27/3, Chi bộ Đảng xã Hòa Phước thuộc Khu III Hòa Vang đã nổi mõ huy động quần chúng kéo vào các đồn địch xin lánh nạn, kêu khóc hù dọa lính địch. Du kích dùng loa kêu gọi ngụy, tề đầu hàng, nổ súng thị uy. Địch hốt hoảng bỏ một số chốt điểm nhỏ, co cụm về các chốt điểm lớn. Thừa thắng, quần chúng nổi dậy hạ các mâm tề ở địa phương, chiếm cứ điểm Trung đoàn 51, cứ điểm Miếu Bông và giải phóng toàn xã; trong lúc đó, Sư đoàn 3 ngụy từ Quế Sơn xuống chiếm cầu Tứ Câu, dùng hỏa lực bắn dọn đường cho quân của chúng tháo chạy về Đà Nẵng. Chi bộ Đảng xã Hòa Phước đã lãnh đạo lực lượng du kích và một số hàng binh địch để đánh địch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở cửa ngõ thành phố Đà Nẵng vào những ngày cuối trên chiến trường Quảng Đà. Tại Khu II, lực lượng du kích các xã Hòa Bình, Hòa Khương, Hòa Hưng - trong đó du kích Hòa Bình là chủ công - đã tổ chức bao vây, bức hàng quân ngụy ở quận lỵ. Lúc 14 giờ ngày 28/3, ta đột nhập vào quận lỵ bắt được tên quận phó. Tại quận lỵ Hòa Vang, lực lượng du kích, trong đó du kích xã Hòa Thọ là chủ công đã tổ chức bao vây, tiến công địch. 8 giờ ngày 29/3, bộ đội địa phương Khu II cùng du kích mật xã Hòa Châu đánh trung đội nghĩa quân gác Cầu Đỏ. Cùng lúc, quân ta ồ ạt tiến vào thành phố đã cùng đồng bào nổi dậy tại chỗ chiếm quận lỵ Hòa Vang vào lúc 14 giờ ngày 29/3/1975.

Ngày 29-3-1975: Giải phóng Đà Nẵng | BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

  • Hình ảnh xe tăng Quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng.

Tại Khu I, trong đêm 27/3, lực lượng khởi nghĩa sẵn sàng tư thế hành động. Ngày 28/3, quân địch ở đây tháo chạy hầu hết về Đà Nẵng. Tối hôm đó, lực lượng khởi nghĩa Khu I trang bị gậy gộc, cuốc, thuổng, lựu đạn chia nhau chiếm lĩnh một số chốt điểm của địch. Bộ đội địa phương và du kích tổ chức truy quét bọn địch lẩn trốn. Lúc 9 giờ sáng ngày 29/3, toàn bộ Khu I Hòa Vang được giải phóng. Trong khi đó, một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2, sau khi chiếm quận lỵ Phú Lộc (Thừa Thiên) đã cơ động đến chân đèo Hải Vân tiêu diệt quân ngụy chốt chặn ở Lăng Cô, đánh tan 5 tiểu đoàn địch, mở thông đường tiến quân vào Đà Nẵng. Cùng với mũi tiến quân vũ bão này, đại đội công binh Hải Vân, đại đội 1 bộ đội địa phương và Tiểu đoàn 89 sau khi vào Nam Ô, Xuân Thiều đã phát triển xuống Phước Tường đánh chiếm kho đạn pháo Sủng Mây và cùng một mũi của Sư đoàn 2 thọc sâu đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và Sở chỉ huy Quân đoàn I ngụy.

Ở các xã phía đông khu III, sáng ngày 29/3, quân địch từ Hội An tháo chạy ra Đà Nẵng rất đông. Đồng bào và du kích các xã Hòa Hải, Hòa Lân, Hòa Long, Hòa Phụng, Hòa Đa đã dùng loa gọi hàng, thu chiến lợi phẩm và đuổi bắt tù binh. Hàng trăm phụ nữ đã ra đường nhựa đón đầu xe địch nhằm bảo vệ các điểm lót quân của bộ đội trước giờ tấn công Đà Nẵng. Lợi dụng đội hình địch tán loạn, du kích xông lên làm chủ trận địa, cắm cờ giải phóng trên xe tăng địch, đảm bảo hành lang cho bộ đội ta tiến công vào Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng, trước sức tấn công như vũ bão của quân dân ta, đêm 28/3, Ngô Quang Trưởng, Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn I cùng đồng bọn bí mật chuồn ra Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi Biển Đông. Nhận được tin này, sau khi cân nhắc, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà hạ quyết tâm: Vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975 và được Thường vụ Khu ủy V hoàn toàn chấp thuận. Phối hợp với lực lượng tiến công từ ngoài vào, rạng ngày 29/3, tại số nhà 245 Phan Châu Trinh, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã phát lệnh khởi nghĩa; các ủy ban khởi nghĩa trong thành phố lập tức đưa quần chúng nổi dậy, tấn công vào quân Ngụy, kêu gọi binh sĩ ngụy hạ vũ khí trở về nhà, không chống cự, ra hàng cách mạng. Lực lượng biệt động và tự vệ thành phố triển khai kế hoạch đánh chiếm các vị trí theo phương án đã vạch ra, đặc biệt là phải chiếm lĩnh nguyên vẹn nhà máy điện, giữ cho được dòng điện và ánh sáng, giải phóng các nhà lao, không cho địch ám hại đồng chí, đồng bào ta.

Tại Quận I, khoảng 8 giờ đến 12 giờ, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm các trụ sở của ngụy quyền như: trụ sở Quận I, quân vụ thị trấn, Đài phát tín, Tòa Thị chính, các khu phố Nam Phước, Hải Châu, Thạch Thang, Bình Thuận, Hòa Cường, Xương Bình, Tiểu đoàn I chiếm kho bạc. Tại Quận II, sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa, Quận ủy chuyển ngay vào thành phố, trực tiếp chỉ đạo các ban khởi nghĩa của các khu phố, ga xe lửa Đà Nẵng, bến xe chợ Cồn lãnh đạo quần chúng nổi dậy chiếm các trụ sở hội đồng phường, khu phố, chi cục cảnh sát, vận động binh lính ngụy bỏ ngũ về với gia đình. Trưa 29-3, lực lượng khởi nghĩa của quận đã chiếm lĩnh toàn bộ cơ quan ngụy quyền Quận II và trụ sở ngụy quyền ở các phường trong quận. Lúc 12 giờ ngày 29/3, Sư đoàn 2 sau khi vượt qua sông Cẩm Lệ, đã chia làm hai mũi, từ Đò Xu và Nghi An đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, cùng lúc một bộ phận của Sư đoàn 304 tiến vào sân bay Đà Nẵng, hội quân với Sư đoàn 2 làm chủ sân bay. Lúc 13 giờ 30, đơn vị xe tăng của Sư đoàn 325 tiến đến đường Hùng Vương, 14 giờ xuống đường Bạch Đằng và vượt cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) tiến sang Quận III phối hợp cùng với các đơn vị bộ đội khác tấn công địch ở bán đảo Sơn Trà. Chiều 29/3, bộ đội chủ lực của ta với cả xe tăng và trọng pháo, vượt cầu Trịnh Minh Thế tiến qua chiếm lĩnh căn cứ Sơn Trà của địch. Riêng Quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa được giải phóng, còn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ngày 30/3, Ủy ban quân quản của thành phố và của các cấp được thành lập. Đảng bộ và nhân dân thành phố vừa giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng và phục vụ cho việc giải phóng Sài Gòn và các tỉnh còn lại ở miền Nam. Ngày 7/5/1975 tại sân vận động Chi Lăng, nhân dân thành phố đã mít tinh mừng thành phố được giải phóng. Ngày 15/5, thành phố tưng bừng trong đêm pháo hoa mừng miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất.

Chủ đề: Hoạt Động