Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2025)

Ngày đăng: 20/03/2025

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2025)

PHẦN 1

Nhân dân Đà Nẵng đấu tranh chống Mỹ - ngụy và chuẩn bị thế tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Sau chiến thắng vang dội của ta ở Điện Biên Phủ tháng 5-1954, Mỹ âm mưu kéo dài chiến tranh ở Đông Dương, tìm cách phá hoại việc thi hành Hiệp định Genève, hất cẳng Pháp, thiết lập ở miền Nam nước ta chế độ độc tài, phát xít tàn bạo. Bằng chính sách “tố cộng” để diệt cộng, chúng thẳng tay đàn áp, gây ra những vụ tàn sát dã man, hòng tiêu diệt các lực lượng cách mạng và đè bẹp ý chí chiến đấu vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Song, trong những năm tháng khó khăn ác liệt ấy, cùng với nhân dân miền Nam, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng kiên trì, bền bỉ đấu tranh chống địch, đấu tranh đòi “hiệp thương”, “tổng tuyển cử” thống nhất nước nhà, chống “trưng cầu dân ý”… của chính quyền Ngô Đình Diệm. Từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, ta đã từng bước xây dựng phát triển lực lượng, từng bước kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng để đánh địch, góp phần làm phá sản “quốc sách ấp chiến lược” và chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy.

Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh, ồ ạt đưa quân Mỹ và các nước phụ thuộc Mỹ vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ. Ngày 8/3/1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng. Nhân dân Đà Nẵng đã tổ chức tuần lễ tự trọng dân tộc và xây dựng vành đai diệt Mỹ Hòa Vang, hình thành thế bao vây, tiêu diệt địch.

50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng - Báo VnExpress

Ngày 8/3/1965, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng

Từ năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, vừa từng bước rút quân Mỹ, vừa ra sức củng cố, tăng cường ngụy quân, ngụy quyền, phản công và tiến công ta quyết liệt. Chúng tập trung lực lượng “bình định” nông thôn, đồng thời củng cố vị trí của chúng ở thành thị mà về thực chất là “bình định” vùng tạm chiếm bằng cách tăng cường kìm kẹp, đàn áp, bóc lột nhân dân thành phố. Quân và dân Đà Nẵng đã kiên cường “trụ bám”, xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở nội thành và vùng ven, tiến tới phối hợp với toàn miền Nam tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc ra khỏi miền Nam.

45 năm Ngày ký Hiệp định Pari - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở  Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2018)

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết

Từ sau ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/01/1973), Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã nhạy bén với tình hình mới, tranh thủ thời cơ, tiếp tục phát triển thực lực cách mạng, tạo thế và lực mới để cùng cả nước chủ động kết thúc chiến tranh. Từ cuối năm 1974, khi thời cơ cách mạng chung của miền Nam đã bắt đầu xuất hiện, Đảng bộ và nhân dân thành phố phát huy phương châm hai chân, ba mũi giáp công, đẩy mạnh tiến công địch cả về quân sự và chính trị. Tháng 7/1974, ta mở chiến dịch giải phóng Nông Sơn - Tiên Phước, tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức. Phối hợp với chiến trường chung, đêm 19 rạng 20/7/1974, ta tấn công và pháo kích sân bay Đà Nẵng, các vị trí của địch ở các phường An Khê, Hòa Cường, núi Phước Tường, ngã tư Hòa Cầm... Đến cuối năm 1974, thực tế chiến trường đã chứng tỏ rằng, ta có điều kiện để tổ chức cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương đất Quảng và thành phố Đà Nẵng thân yêu.

Bộ đội và nhân dân địa phương kéo pháo lên đỉnh đồi bắn vào chi khu Thượng Đức (Quảng Nam), năm 1974. Ảnh tư liệu

Bộ đội và nhân dân địa phương kéo pháo lên đỉnh đồi bắn vào chi khu Thượng Đức (Quảng Nam), năm 1974. 

Chủ đề: Hoạt Động